ThS Lê Sỹ Đồng là giảng viên ngành Sư phạm Ngữ văn, trường ĐH Thủ Dầu Một. Ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều sách, công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Nam Bộ, văn học trung đại Việt Nam. Luận văn thạc sĩ của GV Lê Sỹ Đồng (năm 2009) nghiên cứu về "Sự nghiệp văn học của Ca Văn Thỉnh". Nhân 120 năm ngày sinh của cố GS Ca Văn Thỉnh, gia đình của ông cùng giảng viên Lê Sỹ Đồng đã sưu tầm, biên soạn các công trình của giáo sư trong di cảo, trên sách báo thành ba tập chuyên khảo. Sách vừa ra mắt bạn đọc. Bài viết giới thiệu do báo Tuổi Trẻ thực hiện. Mời quý vị cùng theo dõi.
-------
Nhà Nam bộ học Ca Văn Thỉnh và 3 tập sách mới: Lưu giữ ký ức văn hóa Nam bộ cho hậu thế
Ở Nam Bộ, thế kỷ XX, có lẽ nhiều người biết đến gia đình danh giá họ Ca ở mảnh đất Bến Tre anh hùng. Gia đình ấy có nhạc sĩ Ca Lê Thuần - từng là phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đạo diễn Ca Lê Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường Nghệ thuật sân khấu II TP.HCM; họa sĩ Ca Lê Thắng - từng là phó tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM, và đặc biệt là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Anh Xuân (tên thật Ca Lê Hiến) với bài thơ Dáng đứng Việt Nam.
Thế nhưng, ít ai biết thân phụ của những tài năng nghệ thuật ấy là nhà Nam Bộ học - Ca Văn Thỉnh (1902 - 1987), với bút danh Ngạc Xuyên cùng những công trình nổi tiếng về Doãn Uẩn (1794 - 1848), đăng trên tạp chí BSEP, số 1 năm 1941; Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Nguyễn Thông, Minh bột di ngư - một quyển sách hai thi xã, Bài diễn văn trong buổi lễ Kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu, Khổng học ở đất Đồng Nai, Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế… đăng trên Đại Việt tập chí trong hai năm 1942 - 1943; và những công trình khác về văn hóa, lịch sử Nam Bộ in ở các sách báo sau 1945 đến khi ông qua đời.
Nhân 120 năm ngày sinh GS Ca Văn Thỉnh, ba tập chuyên khảo tập hợp các công trình, bài viết của ông được NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành: Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ thế kỉ XIII - XIX; Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ lịch sử Nam bộ và Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ văn học Nam bộ.
Trong tập 1 - Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ thế kỷ XIII - XIX, mở đầu tập sách là chuyên luận Đất và người Nam bộ nói về điều kiện tự nhiên, hành trình khai phá, và tiến trình đấu tranh lịch sử của con dân Nam bộ để bảo vệ bờ cõi.
Cùng với tiểu sử và các mẩu chuyện về Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Thiện Chánh, Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân... tập sách trình bày công trạng của các danh sĩ với vùng đất Nam bộ qua các bài viết như: Bia và văn về Võ Trường Toản, Nguyễn Hữu Huân - thân thế và sự nghiệp, Anh hùng nông dân Nguyễn Trung Trực và nông dân Nam bộ đấu tranh chống ngoại xâm, Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế...
Ở tập 2 - Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ lịch sử Nam bộ, bài mở đầu là chuyên luận Hào khí Đồng Nai - kết quả nghiên cứu của Ca Văn Thỉnh về lịch sử, văn hóa Nam bộ trong quan hệ với truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.
Và để cụ thể hơn về lịch sử Nam bộ, tập sách giới thiệu các bài viết Nhìn lại đạo đức khí tiết truyền thống của nhân dân miền Nam, Phong trào đấu tranh của nhân dân Lục tỉnh trong thời gian đầu xâm lược của quân Pháp... cùng những khảo cứu mang đậm chất tư liệu về lịch sử văn hóa "vùng đất mới" như: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Cuộc khởi nghĩa Hóc Môn 1885 hay là kẻ bạo tàn phải đền tội...
Đây là những bài viết được Ca Văn Thỉnh công bố trên các báo từ trước 1945 đến sau năm 1975. Những tài liệu mà Ca Văn Thỉnh khảo cứu được đã góp thêm vào "bộ tư liệu" làm căn cứ để xác quyết những nét đặc trưng của văn hóa Nam bộ.
Ở tập 3 Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ văn học Nam bộ, độc giả có cơ hội đọc những bài hịch, phú, vè, ca dao, lý, tục ngữ và những mẩu chuyện dân gian Nam bộ như: Truyện Thủ Huồng, Truyện núi Bà Đội Om, Truyện Nguyễn Thị Tồn, Truyện Già Ba Tri, Truyện Nguyễn Trung Trực, Hịch con Quạ, Hịch con Muỗi, Gia Định Phú, Hịch Tây vô lấy nước, Hịch kêu gọi đánh Tây...
Nội dung đáng chú ý khác trong tập này là các khảo cứu về văn học viết Nam bộ như: Câu chuyện yếm quỷ, Cuộc bút chiến của Phan Văn Trị và những nhà nho yêu nước Nam bộ chống Tôn Thọ Tường, Mối tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia qua thơ văn xưa...
Thông qua hai nội dung trên, Ca Văn Thỉnh không chỉ làm rõ chất "tri ngôn, dưỡng khí" trong lối ứng xử của người Nam bộ, mà ông còn cho người đọc thấy được tâm tư tình cảm của người Nam bộ trong lao động sản xuất, trong đời sống vợ chồng, trong tình yêu nam nữ...
Có thể thấy, ba tập sách là những khảo cứu của GS Ca Văn Thỉnh về lịch sử, văn học Nam bộ nhằm khẳng định nét riêng văn hóa Nam bộ, và lưu giữ ký ức văn hóa Nam bộ cho hậu thế.