Tọa đàm “Nữ giảng viên và hoạt động nghiên cứu khoa học”


   Nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến Chào mừng ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11/1958 – 20/11/2024), sáng ngày 14/11/2024, Bộ môn Ngữ văn thuộc Khoa Sư phạm trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề: Nữ giảng viên với hoạt động nghiên cứu khoa học.

  Đến dự và tham gia chia sẻ trong buổi tọa đàm có  PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện nghiên cứu ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một, ThS. Lê Thị Kim Út – Chủ tịch Công đoàn trường, TS. Đồng Văn Toàn – Trưởng khoa Sư phạm cùng các thầy cô là giảng viên Bộ môn Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Thủ Dầu Một.

  Làm giảng viên trong trường đại học, bên cạnh những giờ lên lớp để hướng dẫn, truyền tải tri thức, họ còn phải làm nghiên cứu khoa học. Từ góc nhìn của những người nữ, các báo cáo viên trong buổi tọa đàm đã có những chia sẻ về hành trình làm nghề cũng như những suy tư, trăn trở về áp lực mà họ đã, đang và sẽ phải vượt qua để trụ vững với nghề cũng như thực hiện đam mê nghiên cứu của mình.

  Giảng viên là một nghề nghiệp, và dường như nó sẽ phù hợp với những ai vừa thích giảng dạy, vừa đam mê nghiên cứu. Bởi trường đại học là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng, ươm mầm, đào tạo nên những thế hệ trí thức cho nhân loại. Cho nên giảng viên đại học luôn gắn với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức rất lớn cho những giảng viên nữ.

   Theo TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, trong mối liên kết giữa vai trò, trách nhiệm gia đình và xã hội, nhằm đảm bảo nhu cầu sống bình đẳng giữa nam và nữ thì người nữ vẫn chịu nhiều áp lực hơn khi vừa phải “Làm vợ - làm mẹ - làm dâu (con) – làm việc”. Cùng nhìn ở góc độ này, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Thương cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên nữ sẽ không thể thuận lợi nếu không có bệ đỡ vững chắc từ phía gia đình, người thân. Bởi thời điểm một người nữ có những điều kiện tốt nhất để phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, theo đuổi đam mê nghiên cứu cũng chính là thời điểm họ phải thực hiện thiên chức của mình. Đó là một đặc điểm hết sức đặc thù của nữ giảng viên. Do vậy, để phát triển bản thân, họ luôn phải biết cách dung hòa và lựa chọn thời điểm thuận lợi để tiến hành các nghiên cứu của mình.

   Còn khi nhìn từ góc độ đặc tính của giới nữ thì họ vẫn có những yếu tố thuận lợi và khó khăn riêng. Khó khăn thường thấy nhất là người nữ thường dễ bị chi phối bởi yếu tố cảm xúc hơn người nam. Những tác động từ phía gia đình, môi trường làm việc hoặc thể chất sinh lý nữ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu suất công việc. Nhưng khi bỏ qua những yếu tố đó thì bản thân người nữ cũng có lợi thế riêng, đó là họ thường tỉ mỉ, kiên trì trong quá trình nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực thực nghiệm.

   Bên cạnh đó, Thạc sĩ Lê Thị Kim Út đã mang đến buổi tọa đàm những chia sẻ chân thành, xúc động về hành trình không ngừng vươn lên của cô trong quá trình công tác trong ngành giáo dục. Đối với cô, dù đời sống nhiều áp lực, cô vẫn nghĩ các giảng viên nữ cần cố gắng, nỗ lực để theo đuổi và cống hiến cho nghề giáo. Bởi chỉ cần có đam mê thì mọi người đều có thể tìm cách cân đối thời gian, nguồn lực của bản thân mình, sống xứng đáng với nghề.

    Khép lại buổi tọa đàm là những chia sẻ từ các giảng viên nam thuộc Bộ môn Sư phạm Ngữ văn. Đối với họ, để thực hiện tốt các vai trò từ gia đình đến xã hội, người nữ luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần so với nam giới. Do vậy, những thành tựu mà giảng viên nữ đạt được, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu, luôn xứng đáng được trân trọng.

Tin/ hình ảnh: Bộ môn Sư phạm Ngữ văn